Chùa Bà Bụt với Uy Minh Vương Lý Nhật Quang

Thứ sáu - 10/05/2013 09:56
Hiện nay ở Nghệ An có nhiều di tích đình, đền, chùa thờ tự Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Đây là nhân vật lịch sử đã để lại nhiều dấu ấn và công trạng đối với vùng đất xứ Nghệ nói chung cũng như với Phật giáo nơi đây nói riêng.

Nhân hội thảo Văn hóa Phật giáo xứ Nghệ: Quá khứ, hiện tại và tương lai, chúng tôi trong bài viết này sẽ đề cập và nhận diện mối quan hệ đầy huyền hoặc giữa Uy Minh Vương Lý Nhật Quang với một ngôi chùa cổ xứ Nghệ, đó là chùa Bà Bụt thuộc xã Lam Sơn, huyện Đô Lương.

1. Vài nét về Uy Minh Vương Lý Nhật Quang

Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (? - ?) tên húy là Hoảng, con thứ tám vua Lý Thái Tổ, hoàng đệ vua Lý Thái Tông. Ngài là vị vương gia “sinh vi tướng, tử vi thần” được sử sách các đời ghi chép, đánh giá cao. Thửa nhỏ, ngài rất thông minh, hiếu học, tính khí ôn hòa, được mọi người yêu mến. Khi Lý Thái Tổ mất, các hoàng tử tranh giành ngôi vị, dẫn đến loạn Tam Vương[1], Lý Nhật Quang trong vòng xoáy tranh đoạt đó vẫn giữ nguyên phận vị, không hề tư tâm. Nhờ vậy, ngài được vua Lý Thái Tông tin cẩn, giao cho nhiều trọng trách.

Năm Kỷ Mão (1039), ngài phụng mệnh tới đất Nghệ An trông coi việc tô thuế. Nghệ An thời bấy giờ[2] là vùng biên viễn, đời sống người dân cơ cực, lại phải thường xuyên chịu sự càn quấy của Chiêm Thành, Lão Qua. Với tấm lòng nhiệt huyết, vì nước vì dân, ngài đã ổn định được dân tình, hoàn thành tốt nhiệm vụ vua ban. Đại Việt sử ký toàn thư nhận định: “Vua ủy cho Uy Minh thu thuế châu Nghệ An và sai đặt trại Bà Hòa cho trấn được bền vững; lại đặt điếm canh ở các nơi, chứa lương thực đầy đủ, cái gì cũng vừa ý vua”[3]. Lý Tế Xuyên trong Việt điện u linh  đề cao: “Vương là người trung hiếu, cung cẩn, hành động quả cảm, gọi là Bát Lang Hoàng tử. Niên hiệu Càn Phù Hữu Đạo năm đầu, được chọn làm việc tô thuế ở Nghệ An, giữ chức mấy năm, sợi tơ sợi tóc của dân không hề xâm phạm, nổi tiếng liêm trực, vua rất yêu mến”[4].

Năm Giáp Thân (1044), ngài từ tước Hầu được tấn phong lên thành Uy Minh Vương, đích thân vua Lý Thái Tông trao quyền cho ngài trấn thủ châu Nghệ An. Kể từ đây, sự nghiệp của ngài đã gắn chặt với mảnh đất, con người xứ Nghệ. Trở thành Tri châu, nắm trong tay quyền quyết định về mọi mặt đời sống kinh tế chính trị văn hóa nơi sở tại, ngài ra sức xây dựng, dìu dắt nhân dân Nghệ An phát triển. Từ một châu trại “ki-mi”[5] nghèo nàn, dưới sự trị bình của ngài, Nghệ An đã vươn mình trở thành một trong những châu phồn thịnh nhất, làm nền móng vững chắc cho vương triều Lý cũng như các triều đại về sau. Sự tích còn ghi việc ngài chọn vùng đất Bạch Ngọc[6] làm phủ lị Nghệ An, gọi là phủ lị Bạch Đường. Đây được xem là tầm nhìn mang tính chiến lược, bởi ở vào thời kỳ đó, Bạch Ngọc là chốn địa linh nhân kiệt, công thủ lưỡng toàn, có núi Quả cao che chắn, có sông Lam dài yểm trợ. Mười sáu năm[7] ngài làm Tri châu là mười sáu năm thanh bình reo ca của xứ Nghệ. Kinh tế được đẩy mạnh, hàng hóa được lưu thông, ruộng đồng tốt tươi, tằm dâu xanh mướt, tàu thuyền buôn bán, đánh bắt thủy hải sản tấp nập. Đê điều được vun đắp, đất đai được vỡ hoang. Nơi biên cương được giữ vững, các tù trưởng thần phục, uy thế vương triều được nâng cao. Việc học hành, lễ nghĩa được coi trọng, hình ảnh châu trại Nghệ An xa xôi, khắc khổ được cải biến, thế và lực được tăng lên. Đặc biệt đáng chú ý, ngài là người có công rất lớn trong việc gây dựng và phát triển Phật giáo xứ Nghệ, tạo nên nét riêng biệt cho đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Uy Minh Vương Lý Nhật Quang sinh ra trong hoàng tộc nhà Lý. Mà Phật giáo giai đoạn Lý triều chiếm vị trí chủ đạo so với các tôn giáo khác, nhận được sự sùng chuộng của mọi tầng lớp. Ngay Lý Thái Tổ - vị vua tiên khởi của triều Lý là con nuôi nhà Phật, thửa nhỏ được dạy dỗ trong chùa. Vậy nên, lẽ thường tình Uy Minh Vương Lý Nhật Quang cũng là người thấm nhuần Phật pháp. Khi trị nhậm ở Nghệ An, ngài lấy giáo lý từ bi, bác ái của nhà Phật làm tín điều răn dạy mọi người, đồng thời cho xây dựng chùa chiền để nhân dân tụng niệm. Có thể nói thời kỳ ngài trấn nhiệm là một mốc son huy hoàng của Phật giáo xứ Nghệ nói riêng cũng như mọi mặt của đời sống xã hội Nghệ An nói chung. Xin mượn lời bình của danh sĩ Lý Tế Xuyên để khắc họa thêm tầm vóc của ngài: “Vương coi việc châu ấy mười sáu năm, tiếng lành ngày càng vang xa, nhân dân tin yêu. Nghe tin vương từ chức, dân tranh nhau níu xe, giữ ngựa, khóc lóc (…) Dân trong châu xin lập đền thờ, cầu tạnh cầu mưa, không gì không linh ứng, là một vị đại phúc thần của cả châu”[8].

2. Chùa Bà Bụt: nơi khởi nguồn sự tích

Ngoài đền Quả Sơn[9] là nơi thờ tự chính của ngài thì chùa Bà Bụt là nơi ghi dấu những truyền kỳ đượm đầy màu sắc Phật giáo về ngài ở đất Nghệ An. Chùa Bà Bụt còn được gọi là Tiên Tích tự[10], thuộc địa phận xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Xét theo phủ lỵ Bạch Đường của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang lập nên khi xưa thì chùa nằm trọn bên trong. Địa thế chùa được xây dựng trên nền đất cao, thoáng, bên bờ tả ngạn của sông Lam. Cảnh chùa do đó gợi vẻ thoát tục, trong lành, được nhiều tín đồ, Phật tử gần xa tìm về, thật đúng như lời đôi câu đối:

Thắng cảnh hảo chung thiên địa tú

Danh lam biệt chiến cổ kim kỳ

Dịch nghĩa:

Cảnh đẹp trời đất hun đúc nơi chốn này

Chùa cổ xưa nay nức tiếng lạ kỳ[11]

Theo lời kể của các cụ cao niên, xưa kia chùa có diện tích khoảng gần 10 mẫu, gồm nhiều hạng mục như nhà trạm, nhà thuyền, bái đường, thượng điện, tam quan, sân vườn, ao sen, tường bao. Tiếc rằng thực tế hiện nay chùa chỉ còn bái đường, thượng điện, sân vườn, những cảnh quan còn lại đã bị phá dỡ hoàn toàn. Nhà bái đường nổi bật với hình chữ nhật có diện tích hơn 50 m2 , kết cấu kiểu một gian hai hồi, có hai vì, khung xà bằng gỗ lim. Nền nhà lát gạch đất nung, hai đầu hồi xây lửng. Mái lợp ngói âm dương, đóng rui bản. Tiếp đến thượng điện có bố cục dọc theo hướng vuông góc với bái đường. Diện tích nền khoảng 40 m2 , hai gian hai hồi, khung cũng dựng bằng gỗ lim. Tương tự bái đường, mái thượng điện lợp ngói âm dương với kiểu mũi hài. Niên đại chùa theo truyền thuyết có từ thế kỷ XI, thời nhà Lý. Hồ sơ của Ban quản lý di tích và danh thắng Nghệ An ghi nhận trước năm 1941 chùa quay lưng về phía sông Lam, mặt nhìn ra hướng bắc. Đến năm 1941 chùa mới được dịch chuyển quay mặt về hướng nam. Năm 1995 chùa được tu sửa, đảo ngói, thay thế, đắp vá những chi tiết bị hỏng. Năm 2002, nhân dân trong vùng đã cùng góp dựng xây thêm nhà Hữu vu cho chùa để có không gian đón khách. Về di vật, qua khảo sát chùa hiện lưu giữ được 22 pho tượng cổ[12], 2 đôi câu đối, 1 bức hoành phi, 2 cửa võng, 3 chuông. Cũng như nhiều ngôi chùa khác, nội dung hoành phi, câu đối ở chùa chủ yếu ca ngợi Phật pháp quảng đại, cứu độ chúng sinh. Năm 2009, chùa chính thức được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

Sự linh thiêng của chùa Bà Bụt gắn với một sự tích được truyền tụng bởi người dân nơi đây từ ngàn xưa. Sự tích đó giải nghĩa tên chùa và cho chúng ta biết thêm huyền thoại về Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Sự tích khởi nguồn như sau:

Phật bà Quan Âm là vị Phật có thể hóa hiện thành muôn ngàn hình tướng khác nhau để cứu vớt, giúp đỡ chúng sinh. Vào thời Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được bổ làm Tri châu Nghệ An, với tinh thần hết lòng vì dân, vương đã tổ chức khai hoang mở đất, xây dựng phát triển kinh tế. Cảm động trước tấm lòng của vương, Phật bà Quan Âm đã phù giúp ngài gặp được nhiều thuận lợi, may mắn. Trong quá trình chinh phạt quân Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi, tàn hại dân lành, vương còn được Phật bà Quan Âm hiển linh âm phù giành được thắng lợi. Một lần khác, vương đi đánh giặc Lão Qua không may bị thương, cưỡi ngựa về đến đất Bạch Đường, thôn Thượng Thọ[13] có bà tiên hiện ra báo với vương rằng: “Quả Sơn là nơi linh địa, huyết thực muôn đời có thể hóa thân ở xứ ấy”. Nghe lời bà tiên, vương về đến đất Quả Sơn thì hóa. Quân dân vô cùng thương tiếc lập đền thờ vương tại đấy, gọi là đền Quả Sơn, quanh năm hương khói. Ngôi chùa nơi bà tiên ứng hiện từ đấy được gọi là Tiên Tích tự, dân gian quen gọi là chùa Bà Bụt[14].

Cũng liên quan tới sự tích này, có bài đồng dao rất hay được lưu truyền nơi đây, xin trích lược một đoạn để tham khảo thêm:

Ở đất Bạch Ngọc

Thờ đức thánh ta

Nguyên trước ngài là

Con vua nhà Lý

Ra trị tỉnh Nghệ

Mười chín năm tròn[15]

Náo nức tiếng đồn

Mưa nhân gió đức

Sau ngài đánh giặc

Trên trấn ninh về

Núi Quả cận kề

Dừng chân nghỉ chút

Gặp một bà Bụt

Có mười hai tay

Xin hiến đất này

Huyết thực vạn đại

Ngài chưng khi ấy

Phút hóa thành thần

Vậy trước xã dân

Lập đền phụng tự[16]

Về sau, tại chùa Bà Bụt cứ đến ngày 20, 21 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, tín đồ Phật tử và nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ tạ để ghi nhớ công ơn bà Bụt phù giúp Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Nghi thức rước lễ diễn ra trang trọng, di tượng Uy Minh Vương được kiệu từ đền Quả Sơn sang chùa Bà Bụt. Đoàn rước khởi hành từ sớm ngày 20 tháng Giêng, chia làm quân bộ và quân thủy, có các vị chức sắc và bô lão đi kèm, tín đồ Phật tử và nhân dân trong vùng xếp thành hàng dài tiếp nối. Sau lễ xuất thần, đoàn rước thủy ngược dòng sông Lam, đoàn rước bộ theo đường đất tiến về chùa Bà Bụt. Đoàn thuyền trước khi cập bến chùa có ghé qua động Ngự - nơi xưa kia Uy Minh Vương thường hay duyệt đội thủy binh. Sáu chiếc thuyền rồng trong tiếng pháo lệnh rền vang đua nhau rẽ sóng về chùa Bà Bụt. Đoàn bộ dàn đội hình gồm đội nghi trượng, đội khiêng kiệu thánh. Khi qua các làng Nhân Bồi, Nhân Hậu, Nhân Trung, Trạc Thanh, đoàn rước dừng lại để nhân dân trong làng ra tế bái. Khoảng tầm giữa trưa, hai đoàn thủy bộ hợp điểm ở chùa Bà Bụt. Kiệu di tượng đức Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được đặt tại vị trí trung tâm giữa sân, mặt quay vào chùa, các vị chức sắc, bô lão cùng quân dân theo thứ tự sắp xếp làm lễ bái tạ. Sáng ngày 21 tháng Giêng, hai đội thủy bộ lại làm lễ rước di tượng đức Uy Minh Vương về lại đền Quả Sơn để làm lễ yên vị.

3. Mối quan hệ chùa Bà Bụt với Uy Minh Vương Lý Nhật Quang: nhận diện mô típ

Sự tích, truyền thuyết về mối quan hệ giữa chùa Bà Bụt với Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là như thế. Bà Bụt vì cảm động trước tấm chân tình hộ quốc an dân của ngài mà hiển linh, ứng độ. Nhờ đó ngài hoàn thành được công nghiệp của mình ở đất Nghệ An một cách toàn vẹn, được nhân dân muôn đời nhớ ơn, phụng tự. Tuy nhiên, nếu tinh ý bóc tách, vén lên bức màn huyễn hoặc, thì hình tượng bà Bụt ứng hiện, trợ giúp cho Uy Minh Vương Lý Nhật Quang trị bình đánh giặc, sẽ nằm trong một mô típ thường gặp ở các thần tích: đó là mô típ dựa vào thần quyền để thu phục nhân tâm, thâu tập thế quyền của quan viên triều đình khi đến vùng đất mới. Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là tôn thất hoàng tộc, sinh ra và lớn lên tại kinh thành Thăng Long hoa lệ. Khi được điều về trấn nhậm đất Nghệ An, ngài chưa có một chỗ dựa vững chắc nào, nhất là về nhân tâm. Đất Nghệ An lúc đấy lại là miền biên viễn, ảnh hưởng của chính quyền nhà Lý rõ ràng chưa đủ để ngài có thể áp chế các thế lực địa phương. Hoàn cảnh đó sẽ là bất lợi nếu ngài không nhanh chóng thu hút được lòng người. Mà như ta đã biết, thời kỳ này Phật giáo đang hưng thịnh, người dân Nghệ An nói riêng cũng như cả nước nói chung rất lấy làm sùng chuộng. Lý Nhật Quang theo truyền thống hoàng gia cũng đồng thời là một Phật tử, vậy nên không quá ngạc nhiên khi thần tích về ngài có mối quan hệ sâu sắc với Phật giáo. Sự thuận tòng của người dân xứ Nghệ dành cho ngài do đó có lẽ cũng một phần từ yếu tố “thần quyền” mà ngài dựa vào, cụ thể ở đây là bà Bụt – Phật bà Quan Âm. Tạo được sự thừa nhận, ủng hộ về mặt tâm thức Phật giáo của người dân, cấy vào họ niềm tin, sự tôn kính, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã dần từng bước chiếm lĩnh lòng người, sự bài xích ngăn cách bởi yếu tố thủ cựu địa phương đã được ý niệm thần quyền Phật giáo gắn kết, mang lại quyền lực thực tế cho ngài. So sánh chủ trương an dân, xiển dương vị thế của các chúa Nguyễn như Nguyễn Hoàng sau này, mô típ dụng thần quyền để thâu tập thế quyền đó càng thêm hiện hữu. Nguyễn Hoàng khi vào trấn thủ đất Thuận Hóa, song song các hoạt động tập hợp, củng cố lực lượng, xây đồn đắp lũy, đã rất khôn khéo trong ứng xử về mặt tâm linh tín ngưỡng. Bắt đầu bằng việc vận dụng những giai thoại liên quan tới Phật giáo. Đại Nam thực lục tiền biên có ghi: “Tân Sửu (1601), chúa[17] dạo xem hình thế núi sông, thấy trên cánh đồng bằng ở Hà Khê[18] nổi lên một gò cao, như hình đầu rồng quay lại, phía trước thì nhìn ra sông lớn, phía sau thì có hồ rộng. Nhân thế hỏi chuyện người địa phương, họ đều nói rằng gò này rất thiêng. Tục truyền rằng: xưa có người đêm thấy một bà già áo đỏ quần xanh ngồi trên đỉnh gò nói rằng: “Sẽ có vị chân chúa đến xây chùa ở đây, để tụ khí thiêng, để bền long mạch”. Nói xong bà già ấy biến mất. Chúa cho là núi ấy có linh khí, mới dựng chùa gọi là chùa Thiên Mụ”[19]. Ẩn ý bên trong sự tích ấy ngầm chỉ ra rằng họ Nguyễn, vị “chân chúa” tiền định đã xuất hiện, xây chùa để tụ khí thiêng cho bền long mạch. Sứ mệnh của chúa Nguyễn đã được “dự báo”, tuyên ngôn đầy huyền bí nơi ngôi chùa Phật giáo bằng cách như thế[20]. Rõ ràng, xét về mô típ quan hệ giữa chúa Nguyễn với chùa Thiên Mụ này không khác biệt nhiều với mô típ về mối quan hệ giữa Uy Minh Vương Lý Nhật Quang với chùa Bà Bụt đã phân tích. Tóm lại, vai trò trợ giúp về mặt thần quyền để thâu tập thế quyền của Phật giáo trong trường hợp chùa Bà Bụt và Uy Minh Vương Lý Nhật Quang có ý nghĩa rất đáng ghi nhận, khi mục đích hướng tới nhằm để Uy Minh Vương có thêm sức thu phục lòng người, mang lại cuộc sống bình yên, no ấm hơn cho người dân xứ Nghệ.

4. Một số góp ý cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị chùa Bà Bụt hiện nay

Với những giá trị lịch sử và văn hóa, đặc biệt là mối quan hệ huyền kỳ với Uy Minh Vương Lý Nhật Quang – bậc danh nhân được xứ Nghệ muôn đời nhớ ghi - chùa Bà Bụt ngoài chức năng trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của tín đồ nhân dân trên tuyến quốc lộ 7, còn rất có tiềm năng để trở thành trọng điểm tham quan du lịch. Nét cổ kính, thuần hậu của cảnh quan nơi đây sẽ là điểm nhấn, thu hút du khách cả trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, đây cũng là một trong những nơi tiêu biểu cho nét đẹp văn hóa Phật giáo xứ Nghệ, rất cần được giữ gìn và phát huy. Trước hiện trạng chùa Bà Bụt xuống cấp và có phần lơi lỏng trong quản lý như hiện nay, chúng tôi xin đưa ra một vài góp ý cho công tác bảo tồn như sau:

Thứ nhất, cần nhanh chóng tu bổ những hạng mục đã xuống cấp, gia cố thêm những vị trí bị hỏng hóc, phục chế những di vật có nguy cơ đổ vỡ. Ngoài ra cần đầu tư phục hồi những công trình vốn có khi xưa của chùa như cổng tam quan, sân vườn, ao sen… để lấy lại vẻ uy nghiêm và tô điểm cảnh sắc cho chùa.

Thứ hai, vị trí chùa nằm đối diện bờ sông, xung quanh là đồng ruộng, ít dân cư nên rất khó khăn cho việc bảo vệ di tích. Cần xây thêm tường bao, cắt cử người bảo vệ, trông nom thường xuyên. Bên cạnh đó, các cấp nghành chức năng cần tạo thêm cơ sở pháp lý để có chế tài xử phạt khi có vi phạm.

Thứ ba, chùa hiện không có sư trụ trì, nên chăng phía Giáo hội cùng Ban trị sự Phật giáo tỉnh nên có sự điều động, phân bổ nhà sư về tu tập, coi sóc. Đường vào chùa hiện khá khuất lấp, vắng vẻ, cần cải tạo, mở rộng, lập biển chỉ báo để thuận tiện hơn cho tín đồ, du khách thăm viếng.

Cuối cùng, các bên hữu quan cần xây dựng kế hoạch quảng bá, thuyết minh về ý nghĩa lịch sử văn hóa chùa một cách sâu rộng, đẩy mạnh việc tuyên truyền ý thức cho tín đồ, nhân dân để cùng góp sức chung tay gìn giữ và phát huy giá trị chùa Bà Bụt.

 

 

[1] Loạn Tam Vương do Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương, Đông Chinh Vương khởi phát ngay sau khi vua Lý Thái Tổ mất, còn chưa kịp táng (năm 1028). Nhờ có sự giúp sức của Lê Phụng Hiểu mà thái tử Lý Phật Mã mới dẹp được yên, lên ngôi trở thành vua Lý Thái Tông.

[2] Năm 1036 Lý Thái Tông đổi tên Hoan Châu, gọi là châu Nghệ An.

[3] Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch), Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội 2009, tr.189.

[4] Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh (bản dịch của Trịnh Đình Rư), Nxb Hồng Bàng, Gia Lai 2012, tr.61.

[5] Chỉ những nơi biên viễn, xa xôi, có sự quản lý lỏng lẻo, ít ràng buộc của triều đình.

[6] Nay gồm địa phận các xã Bồi Sơn, Lam Sơn, Ngọc Sơn của huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

[7] Theo bài giới thiệu tại đền Quả Sơn - ngôi đền chính thờ ngài ở Bồi Sơn thì từ năm 1041 ngài đã được xuống chiếu ban làm Tri châu, đến năm 1044 chính thức được nhà vua thụ phong tước Vương. Năm 1056 ngài xin từ quan, không về kinh thành mà ở lại sống cuộc đời bình dị cùng người dân Bạch Ngọc.

[8] Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh (bản dịch của Trịnh Đình Rư), Nxb Hồng Bàng, Gia Lai 2012, tr.62-63.

[9] Đền Quả Sơn thuộc địa phận xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đền thờ đức Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, nổi tiếng linh thiêng với câu “nhất Cờn, nhì Quả”. Đền được Bộ văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử vào ngày 12/2/1998.

[10] Nghĩa là ngôi chùa có dấu tích Tiên Phật.

[11] Trích câu đối ở hai hàng cột hiên nhà bái đường chùa Bà Bụt.

[12] Ngoài ra còn 8 pho tượng mới, trong đó có 5 tượng Phật và 3 tượng Mẫu.

[13] Nay thuộc xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

[14] Bụt là một tên gọi để chỉ Phật của dân gian xưa. “Bà Bụt” tức Phật bà Quan Âm.

[15] Tính cả 3 năm từ 1039 đến 1041 khi Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được giao nhiệm vụ trông coi việc tô thuế ở Nghệ An thì thời gian ngài trấn trị là 19 năm.

[16] Dẫn theo: Ninh Viết Giao (1993), Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ (Tập 1), Nxb Nghệ An, tr.202.

[17] Chỉ Nguyễn Hoàng.

[18] Thuộc Hương Trà, Thừa Thiên Huế ngày nay.

[19] Đại Nam thực lục tiền biên (Tập 1), Nxb Sử học, Hà Nội 1962, tr.42.

[20] Xem thêm: Võ Phương Lan, Các chúa Nguyễn và Phật giáo, bài viết in trong Kỷ yếu hội thảo khoa học: Chúa – Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu, tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2011.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây