Trần Đình Hượu, người đi ngược đám đông

Thứ tư - 07/08/2013 09:16

Trần Đình Hượu, người đi ngược đám đông

Có lẽ ít ai biết đằng sau nhận định "đánh động" ấy là một cuộc đời đầy biến động của nhà trí thức Trần Đình Hượu trong một thời đoạn nhiều thăng trầm.


Từ một đề thi "đánh động"...

"Đánh động lối sống" là cách báo VietNamNet miêu tả về đề thi ngữ văn Đại học khối C năm nay.

Nội dung đề thi không chỉ là sự "đánh động" đơn thuần, mà còn chạm đến những vấn đề của cả dân tộc khi trích dẫn nhận xét của PGS. Trần Đình Hượu trong bài Nhìn về vốn văn hóa dân tộc thuộc sách Ngữ văn 12 chương trình cải cách.

Một giảng viên đại học cho người viết biết, quá trình chấm thi cho thấy không nhiều thí sinh hiểu chính xác và sâu sắc ẩn ý của tác giả đằng sau nhận định này. Còn trước đó, ngay sau đợt thi đại học lần 2, đã dự báo cho rằng, điểm thi môn ngữ văn năm nay chắc sẽ không "đẹp".

Dù "đẹp" hay không, nhiều người vẫn thấy... mừng, từ cả thí sinh cho đến những người trong ngành. Bởi đề thi đã "đánh trúng" vấn đề thiết yếu của dân tộc trong quá trình hội nhập, phát triển, cũng như tập dần cho học sinh cách tư duy độc lập, cách nhìn nhận về thời cuộc đất nước.

Theo PGS.TS Trần Nho Thìn, người từng là học trò và sau này trở thành đồng nghiệp của PGS. Trần Đình Hượu, bài viết được tác giả hoàn thành năm 1986, thời điểm Đảng Cộng sản VN phát động công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Câu hỏi đặt ra là: "Văn hoá dân tộc sẽ ứng xử thế nào đây trong bước chuyển lớn này?"

Câu trả lời của Trần Đình Hượu trong chính bài viết của ông là: "Nay chúng ta bước vào một khúc ngoặt vĩ đại của lịch sử, không thể không làm công việc tự ý thức, tự phê phán" văn hóa Việt Nam.

Và rằng: "Trong sự sáng tạo văn hoá, mỗi dân tộc hình như từ lâu đã có những thói quen, những ưa thích, những sở trường, những khuyết tật làm nên đặc sắc của nó. Nắm vững những cái đó, bước đi ở hiện tại sẽ ít mù quáng hơn và cũng nhờ thế có thể phần nào dự đoán để định hướng cả bước đi trong tương lai".

Với ý thức "tự phê phán", Trần Đình Hượu đã chỉ ra nhiều "thói tật" của dân tộc bằng cái nhìn khách quan. Sự thẳng thắn này hẳn không phải bao giờ cũng dễ chấp nhận.

Còn nhớ, chỉ mới cách đây 3 năm, một tờ báo lớn đã coi những nhận định của Trần Đình Hượu là "tùy tiện" khi dám "nói ngược" về bản sắc văn hóa Việt Nam. Để đối sánh, bài báo này dẫn ra là có những nhà văn lớn, giữ cương vị lãnh đạo cao nhiều năm, mà tác phẩm cũng chỉ được in trong mục... đọc thêm (trong khi bài viết của Trần Đình Hượu được dành thời lượng 2 tiết học).

Dẫn những câu chuyện đó ra để thấy rằng, gần 30 năm trôi qua, những quan điểm ông đặt ra về tính cách dân tộc vẫn là những tranh luận chưa thể ngã ngũ. Nhưng mặt khác, chính sự chưa ngã ngũ đó đã khiến chúng vẫn là "chuyện đương thời". Chứ không phải quá vãng nào đó...

... đến một cuộc đời đầy biến động

Có lẽ ít ai biết đằng sau nhận định "đánh động" ấy là một cuộc đời đầy biến động của nhà trí thức Trần Đình Hượu trong một thời đoạn nhiều thăng trầm. Như PGS. Trần Ngọc Vương, người từng có đến hai thập kỷ gắn bó, gần gụi với "ân sư", nhận xét, hẳn hầu hết những cô cậu học trò đọc tác phẩm của PGS. Hượu trong SGK lớp 12 sẽ chẳng biết ông là ai.

Phải chăng bởi tính cách ông, như rất nhiều người cảm nhận, vốn không chạy theo thứ "thời thượng", cộng với những định kiến trong đánh giá của thời cuộc, nên tên tuổi ông chưa bao giờ thuộc về số đông. Nhưng, sự "bù trừ" lại rất lớn lao.

PGS Trần Ngọc Vương hồi tưởng: "Ông nhận được sự kính trọng sâu sắc của đồng nghiệp, học trò và cả những người vào những thời điểm nào đó đã từng là "phản biện gia hăng hái" của chính ông".

Người viết đã tìm được sự đồng cảm với nhận xét đó trong những tư liệu liên quan đến ông.

GS. Trịnh Văn Thảo, người năm 1994 đã mời Trần Đình Hượu về giảng dạy (9 tháng) tại Đại học Provence, Pháp và có quan hệ cộng tác gần gũi nhất với ông trong thời gian ở đó, đã ca ngợi: "Trong hàng ngũ những triết gia, tư tưởng và chuyên môn văn học Việt Nam ở Hà Nội, GS. Trần Đình Hượu là một trong những người mà tôi xem là khả kính nhất và có những tư tưởng mới lạ nhất"*.

Còn nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy đánh giá, những phạm trù, khái niệm khoa học mà ông đưa ra, "không chỉ giúp người đọc hiểu được Trần Ðình Hượu, đi vào thế giới đầu óc và trái tim của ông, mà còn giúp họ đưa mình lên phía trước".

PGS. Trần Ngọc Vương nhớ lại, GS. Nguyễn Tài Cẩn, người bạn "nối khố" vô cùng thân của thầy ông, dù đã gây dựng được đầy đủ danh tiếng, sự trọng vọng rộng rãi, nhưng khi còn sống từng "ngậm ngùi" thừa nhận: "Trước lịch sử, mình không bằng Hượu".

Người đi ngược dòng

PGS. Trần Đình Hượu (1926- 1995) sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho ở làng Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Cha của ông thuộc lớp học trò của cụ Phan Bội Châu, một thế hệ nhà Nho giàu khí tiết, tâm huyết với thời vận đất nước, và mất khi ông mới 14 tuổi.

Khi ông vừa kết thúc bậc học thành chung ở Huế, Cách mạng Tháng 8 nổ ra, ông về quê tham gia hoạt động của tổ chức Việt Minh. Năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và sau đó được cử đi học hệ dự bị của Đại học Kháng chiến. Nơi đây ông học với những người thầy lớn như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, v.v...

Năm 1959 ông được cử sang trường Đại học Tổng hợp Matxcơva (MGU), trở thành một trong những nghiên cứu sinh triết học thế hệ đầu tiên của nước VN mới. Lĩnh vực nghiên cứu của ông là triết học cổ đại Trung Quốc, mà cụ thể là về Mặc Tử.

Có thể nói, nguồn gốc nhà Nho và bước ngoặt này về sau đã đưa đến những thăng trầm trong suốt mấy chục năm cuộc đời ông.

Trước tiên là sự kiện năm 1963, ông bị gọi về nước khi việc học còn dang dở. Lý do xuất phát từ hệ lụy của sự chia rẽ trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa giữa "chủ nghĩa xét lại" và "chủ nghĩa giáo điều". Không chỉ vậy, ông còn bị "đèo" thêm một định kiến là sang Liên Xô mà lại nghiên cứu triết học cổ đại Trung Quốc.

Sau khi về nước, ông xin vào công tác tại trường Đại học Tổng hợp. Vì trường chưa có khoa triết học, ông vào Khoa Ngữ văn và giảng dạy 30 năm cho đến khi về hưu năm 1993.

PGS. Trần Ngọc Vương đã gọi giai đoạn này của ông là tình trạng "bất phùng thời", là "khắc nghiệt", khi ông kiên trì con đường nghiên cứu khách quan Nho giáo. Cho đến tận năm 1981, tức là giai đoạn sung sức nhất trong đời của một nhà khoa học, tên tuổi của ông không được xuất hiện trên bất cứ ấn phẩm nào có tính "chính thức".

Phải hiểu bối cảnh những năm tháng ấy, mới phần nào hình dung được những gì Trần Đình Hượu phải nếm trải...

Những năm 1950-1970, chúng ta tiến hành hai cuộc cách mạng dân tộc. Trong buổi đầu, những giá trị cũ được xem xét lại và Nho giáo là thủ phạm đầu tiên bị đặt lên "bàn cân". Nghiên cứu Nho giáo khi ấy bị định hướng về phía phê phán, lên án là chính.

Từ cuối những năm 70 cho đến gần hết thập kỉ 80 của thế kỉ 20, tình hình vẫn không có chiều hướng khác đi. Do những bất đồng trong quan hệ Việt - Trung cộng thêm quá khứ của Nho giáo được coi là "vào cùng với gót chân xâm lược", nên học thuyết này hầu như là một vùng cấm đối với giới nghiên cứu.

Còn ngay trong Khoa Ngữ văn Trần Đình Hượu công tác, cũng có thời kỳ "mất đoàn kết nội bộ" để lại những hệ lụy không hề nhỏ. Bản thân ông bị "ngầm quy kết" là trùm tư tưởng của phái "chuyên môn thuần túy", "thiên tài chủ nghĩa".

Giữa hoàn cảnh thực tại như vậy, Trần Đình Hượu đã không lựa chọn uốn mình theo thời thế, lựa thời để sống - như không ít người cùng thời. Thay vào đó, không tranh biện ồn ào, ông âm thầm kiên định con đường, hướng nghiên cứu mình đã lựa chọn - nghiên cứu trung thực và khách quan.

Trần Đình Hượu rất có ý thức về con đường đi của riêng mình. Ông từng nói: "Muốn tìm hiểu một cái gì đó ta phải phân tích cơ sở tồn tại của nó (...). Tôi cũng sẽ làm như vậy, chỉ có điều là tôi phân tích không giống người ta".

Đó là một cách đối thoại đầy tự tin và cũng là một hướng đi mở đối với những người đến sau bởi "cái gì còn sống cùng chúng ta, thì muốn hay không, ta cứ phải tranh luận với nó". PGS. Trần Nho Thìn đã gọi đây là "tinh thần đối thoại với đương thời".

GS. Nguyễn Kim Đính, người đã quen biết với ông hơn 50 năm, vào thời điểm ông qua đời đã ghi lại những hồi ức về bạn: "Anh lẳng lặng, cần mẫn theo đuổi những gì anh suy nghĩ đằm chín với niềm tự tin sâu sắc và với cốt cách Nho phong khẳng khái được hấp thụ từ nền văn hóa "ngang bằng sổ ngay" vốn là truyền thống gia đình".

Với Trần Đình Hượu, phải hiểu đúng, chính xác Nho giáo, cũng như những di sản quá khứ để từ đó chỉ ra những điểm hay dở, cái gì có thể khôi phục, cái gì cần giải quyết. Hiểu quá khứ chính là để xây dựng tương lai vững chắc.

Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nhận xét: "Trần Ðình Hượu là con người sống với hiện tại. Ông luôn trăn trở cho hướng đi của đất nước. Nhưng tương lai của một dân tộc bao giờ cũng bị quy định bởi quá khứ".

PGS. Lê Chí Dũng, trong một bài viết khá công phu về Trần Đình Hượu, đánh giá, những công trình nghiên cứu và tính cách của ông "cho phép nói rằng ông thuộc type nhà nghiên cứu khoa học "kình thiên một cột giơ tay chống - dẫu gió lung lay cũng chẳng nao" vì sự thật và chân lý, vì cuộc sống con người, vì sự phát triển hợp quy luật của đất nước".

Ngày 11/2/1995, Trần Đình Hượu tạ thế với những dự định lớn còn dang dở. Nhưng con đường ông chọn đã có sự tiếp nối ở những môn đệ sau này. Ngày càng có nhiều nhà khoa học tự coi mình là học trò tự nguyện theo đường hướng nghiên cứu của ông.

Những di sản của ông, như PGS. Bùi Duy Tân từng hóm hỉnh nhận xét là "khi còn sống không in chữ nào, nhưng khi chết, in không sót chữ nào" (dẫn theo lời kể của PGS. Trần Nho Thìn). Còn theo PGS. Vương, sau khi mất ông "được biết tới, được tìm đọc, được tiếp nhận và chia sẻ ngày một nhiều hơn", và một số nhà khoa học nước ngoài đã nói đến "trường phái Trần Đình Hượu".

Đến cuối cùng, lịch sử đã sòng phẳng, khách quan với Trần Đình Hượu, cũng như với rất nhiều trí thức như ông hay chưa? Câu hỏi này có lẽ quan trọng với chúng ta, những người còn sống, hơn là với một người từng lựa chọn không cúi đầu trước những ước thúc của thời đại, và giờ đây đã lùi vào thiên cổ. Bởi, cũng giống như tâm niệm của Trần Đình Hượu, cần đánh giá chính xác quá khứ, mới tiến được vào tương lai...

-------

Tài liệu tham khảo:

- PGS.TS Trần Ngọc Vương: PGS.TS Trần Đình Hượu - Nửa thế kỷ tìm biết với những niềm khắc khoải tri thức.

- PSG.TS Trần Nho Thìn: Nhìn về vốn văn hóa dân tộc (in trong Sách Phân tích tác phẩm Ngữ văn 12).

- Phạm Văn Hưng (ĐHKHXH&NV) - Luận văn Thạc sĩ: Tinh thần đối thoại trong những công trình nghiên cứu văn học của Trần Đình Hượu.

- Trần Văn Hậu: Để hiểu đúng Trần Đình Hượu.

- Bùi Công Kiên: Nỗi suy tư của một "Ông đồ Nghệ".

- TS. Phạm Xuân Thạch (thực hiện): Trịnh Văn Thảo: GS Trần Đình Hượu - Nhà nghiên cứu nho giáo Việt Nam.

- Đỗ Lai Thuý: Trần Ðình Hượu - như một ngọn gió.

- PGS. Lê Chí Dũng: Ông Trần Đình Hượu như tôi biết.

- GS Trần Đình Hượu: Đến Hiện đại từ Truyền thống.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây